Thi ơi Thi ơi Thi, Thi biết biết không Thi?
Khi con tim yêu đương là sống với đau thương
Khi con tim yêu đương là chết với u sầu
Thì Thi đã biết cớ sao Thi buồn
( Chuyện nàng trinh nữ tên Thi)
Thuở thời, cái tên luôn là một chìa khóa, mở ra những hồi ức, hồi tưởng của tình yêu. “ Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng”. Bất kì ai đều sẽ có một đoạn thanh xuân mà chỉ cần nghe thấy cái tên quen thuộc, trái tim luôn hẫn đi một nhịp.
Tên người trong thơ ca
Xuyên suốt thời kì Thơ Mới, thơ hiện đại, ta nghe rất nhiều án thơ tình, nếu Hàn Mặc Tử là ánh trăng máu, thì Xuân Diệu lại mang một làng gió lãng mạn như lá mùa thu. Nhưng tuyệt nhiên, hiếm hoi ở thời kì này, người ta lại đưa tên riêng của người mình thầm thương cảm mến vào thơ ca, hóa chăng chỉ là biệt danh, là những tiếng gọi thân thương “ bé yêu”, “ em- anh”,…
Thế tại làm sao, tên riêng vốn như một hồi ức vĩnh cửu,lại không phải sự lựa chọn của những cây bút lãng mạn này?
Điều này không chỉ đơn giản là một sự lựa chọn trong thơ ca, mà có thể liên quan đến thói quen văn hóa lâu đời trong xã hội Việt Nam. Phải kể đến hồi người ta còn dùng chữ Hán-Nôm, một người thường có đến 3 tên, tên húy, tên tự, tên hiệu. Trong đó, húy là tên dùng trong thủ tục hành chính như học hành hay làm quan, tên tự được ba mẹ đặt sau 18 tuổi, mang mong ước định hướng tương lai cho con cái, và cuối cùng là tên hiệu, là tên của một người muốn đặt cho chính mình, biểu thị ước mơ hoặc con đường mà họ muốn trở thành.
Chuyện người xưa về tên gọi
Ông bà thường gọi nhau bằng tên tự, tên hiệu, tránh gọi tên húy ( hoặc tên thụy- tên cúng cơm), bởi họ cho rằng, rất vô lễ khi gọi thẳng tên húy, đối với người lớn hoặc trưởng bối. Vẫn tương tự như thời đại hiện nay, chúng ta vẫn tránh gọi tên riêng của người lớn mà không kèm theo chức danh ( như ông, bà, chú, thím,…)
Cũng y như vậy, ở Tây phương, xưng hô với người lớn bằng họ là thông dụng, tôn trọng, và gọi thẳng tên chỉ dành cho người ngang tuổi, tkhoohân thiết.
Cho nên, ta thật hiếm thấy thơ ca mà các thi sĩ gọi thẳng tên của người tình mình vào trong đó, phần để giữ lại sự lãng mạn mờ ảo trong thơ ca, vừa là để biểu lộ tình cảm một cách tế nhị, tôn trọng.
Thời đại Thơ Mới, chữ quốc ngữ đã rộng rãi bởi Pháp Thuộc, phong cách đặt tên cũng dần khác đi, nhưng đâu đó trong thói quen vẫn rất tránh gọi thẳng tên nhau mà thay vào đó, họ sẽ gọi biệt danh, hay ẩn dụ bằng những ca từ bay bổng.
Bồi hồi theo chiều dài lịch sử, len lõi trong những bụi tre làng, người ta lại có văn hóa gọi tên khác nhau. Tương truyền, tầm độ thế kỷ 17, người ta thay thế tên 2 chữ của trước đây thành nhiều chữ hơn, mà nam lấy đệm văn, nữ lấy đệm thị. Người ta tin rằng, nam lấy văn mong con cháu thành tài làm quan, nữ lấy thị mong bé gái đảm đang nhu mì. Họ cũng thường xuyên gọi nữ bằng thị, như cách gọi của “ cái”,” nhỏ” ở văn hóa của từng vùng miền hiện nay.
Bẵng đi đến thời nay, trong mỗi xóm làng, người ta hiếm hoi gọi thẳng tên của người phụ nữ đã có gia đình, mà thường xuyên gọi chức danh ( thím, mợ, cô, bác) kèm với thứ tự trong gia phả của người chồng, hoặc tên của người chồng.
Còn gọi người đàn ông, không bao giờ được gọi thẳng tên nếu không cùng vai vế, mà họ sẽ gọi chức danh ( chú, bác) + thứ tự trong gia phả+ tên của người đàn ông đó. Ví dụ: Nếu là anh của bố, người anh thứ 3, tên Hậu, thì con cháu trong nhà muốn phân biệt với họ hàng nhà mình và hàng xóm nhà người ta, đa phần sẽ gọi : bác ba Hậu. ( chớ gọi bác Hậu hoặc bác ba thì sẽ trùng với hàng xóm hoặc người thân quen khác), đôi khi trong gia phả dòng họ có quá nhiều thành viên, người ta muốn con cháu biết thì sẽ tiếp tục thêm đại từ ( lớn- nhỏ) sau cùng, hoặc gia phả của người đó ( con của nhà nào).
Đấy, mỗi người đều có 1 tên riêng, nhưng sau khi đổi quốc ngữ, người ta không còn tên hiệu hay tên tự để gọi nữa, phong cách gọi tên nhau sẽ trở nên sáng tạo hơn, tự có nhiều quy tắc phù hợp với thói quen của từng địa điểm nhất định.
Việc đặt tên trong thời đại mới
Mãi cho đến 10 năm trở lại đây, khi thế hệ 8x,9x bắt đầu trở thành cha mẹ, họ tự nhiên lại không muốn thêm văn, thêm thị vào tên riêng nữa. Một số cho rằng, họ không muốn gom gọn con mình chỉ trong nết na hay giỏi giang, thế là tên riêng lại bắt đầu được thêm nhiều chữ hơn, đa phần là 4 đến 5 chữ, mỗi chữ đều có một ý nghĩa riêng, mang mong muốn gửi gắm đến con cái.
Theo luật, nếu vào năm 18 tuổi, đứa trẻ không thích cái tên đó, luôn có quyền đặt để tên khác cho mình.
Con thường theo họ cha, nhưng vẫn có thể theo họ mẹ hoặc cả hai, để đứa trẻ ấy biết được đâu là tôn ti họ hàng, gốc gác của mình. Những cái tên ở thời đại công nghệ này không còn đơn giản, mà thường giống như tên hiệu, tên tự ngày xưa, bay bổng văn chương mà phải ngẫm mới biết.
Tên của tớ cũng vậy, vì bố mẹ ở thời đại trước, quen đặt chị tớ tên lót Thị, thế là chị tớ giãy nãy lên, bảo bắt buộc phải đặt tên tớ không được có chữ Thị vào cùng. Thế là, tớ lấy họ bố, kèm 1 chữ đệm được lấy đâu đó vào ngày cuối cùng, thêm 1 chữ đệm nữa giống y đúc chị tớ, và cuối cùng là tên. Bố tớ bảo, ý nghĩa tên của tớ chính là những vì sao trên trời. Nhưng khổ nỗi truyền thống nhà tớ lại chẳng thích con gái nết na ủy mị, nên cả tớ lẫn chị, ai nghe họ tên đều tưởng con trai.
Mẹ tớ thì thảm hơn, đặt tên xong, vài năm sau ông bà ngớ người mới biết trùng tên người lớn trong nhà, thế là phải cắp con lên xã đổi tên mới. Nhưng mẹ tớ lại chẳng hề thích cái tên này, nên lớn, mẹ tớ tự động đổi thành cái tên khác cho đến hiện tại.
Lại có chuyện thế này, nếu mọi người lại vướn phải 1 trường hợp tâm linh, rằng đặt tên trẻ con đẹp quá thì khó nuôi, đứa trẻ ấy sẽ bệnh liên miên ngày nhỏ. Nên để hóa giải, các bà mụ sẽ đứng trước gia tiên, hoặc ba mẹ sẽ làm thêm 1 lễ cúng ông bà, xin đặt cho 1 cái tên khác xấu xí hơn, để em bé lớn lên khỏe mạnh, nhưng tên cũ vẫn được giữ trên giấy tờ hợp pháp.
Và thuận theo văn hóa, có lẽ vẫn là ở thời 8x,9x, mỗi đứa trẻ đều có thêm 1 tên ở nhà, mà ý nghĩa của việc này, thứ nhất là để em bé gắng bó hơn với gia đình, và thứ 2 là nếu ở trường hợp bố mẹ em đặt tên trùng với người lớn trong dòng họ, cách này có thể tránh điềm gỡ. Bởi người ta cho rằng, ít nhất trong 3 đời, con cháu không được đặt tên trùng với người lớn, bởi gọi thẳng tên người lớn là phạm lễ, mỗi lần gọi tên đứa trẻ ấy là lại gọi tên ông bà một lần, không nên! ( như mẹ tớ ở trường hợp trên)
Về sau này, một số ba mẹ kỹ tính hơn, điều tra kỹ gốc gác họ hàng, ông bà ở các nhánh rẽ khác nhau trong dòng họ ( như anh chị em của ông cố, bà cố, 2 bên nội ngoại) để đặt tên con tránh hết những tên gọi đó. Hiện tại, bố mẹ tớ vẫn còn thói quen kiêng gọi tên các loại trái cây trùng tên với ông bà, mà phải gọi một tên khác, hoặc chỉ đơn giản là “ cái trái đó đó”.
Tớ nhớ, có một dạo tết nọ, tớ có thấy một hàng thư pháp. Phía xa xa trên các tấm liễng trưng bày, họ có treo 1 chữ rất quen thuộc. Một cái tên riêng, của một người rất quan trọng. Tớ khi ấy, chỉ đơn thuần muốn mang bức thư pháp ấy về, treo trên một nơi mình dễ nhìn thấy, thỏa thích mỉm cười.
Nó giống như cảm giác ngày bé, khi cậu thầm cảm mến một ai đó, tập vở, bàn ghế sẽ đầy cái tên kia. Viết như thể mỗi lần nhìn thấy, mỗi lần đặt bút, là một lần nhung nhớ. Cảm giác ngọt ngào của tình yêu đúng là không ai có thể trốn thoát được.
“ Bé yêu yêu đã ngủ chưa
Anh yêu yêu cũng mới vừa ngủ xong
Nến yêu yêu cháy trong phòng
Tình yêu yêu cháy trong lòng yêu yêu…”
Nguyễn Nhật Ánh
Đấy, vẫn thế, thi sĩ hiếm hoi gọi tên người yêu vào những tác phẩm của mình.
Khi cậu nhìn thấy một người đang yêu, ánh mắt sẽ đột nhiên sáng lấp lánh khi vô tình nhìn thấy một cái tên quen thuộc. Có thể là những tấm biển hiệu ven đường, có thể là được ai đó nhắc đến.Thời khắc mà nỗi niềm không thể giấu diếm. Thế mới nói, tên riêng không chỉ là những ý nghĩa đẹp đẽ, nhưng mong ước cho một tương lai sáng sủa, tên riêng của ai đó, cũng luôn đủ khiến trái tim ai kia thổn thức.
Viết tên người trong thư pháp
Người ta, để trình bày nỗi niềm đó một cách kín đáo hơn, trân trọng hơn, sẽ mang nó vào việc viết thư pháp. Có thể là tên của chính mình, có thể là tên của người trong trái tim mình, hoặc có thể là tên của một ai đó thật ngưỡng mộ. Để những nghệ nhân khắc họa tên riêng như một kiệt tác, và cũng để chỉ mình người chiêm ngưỡng mỉm cười, khi cái tên đó không chỉ được viết nắn nót vào những trang vở, mà còn là trên một tác phẩm dễ nhắc nhớ.
Thư pháp luôn có tính ứng dụng hơn rất nhiều, không chỉ là những câu nói mang hàm ý sâu xa. Mà còn có thể trang trọng đặt để những cái tên, thể hiện tấm lòng yêu quý. Thường thấy như tên của công ty, tập thể, hoặc tên thương hiệu như một món quà tỏ lòng thành kính.
Đi qua từng thời kỳ và địa điểm, ta nhận ra rằng cái tên không chỉ là cách để gọi, mà còn là nơi gửi gắm tâm tư, mong muốn sẽ theo người ấy suốt cả đời. Việc đặt tên trong văn hóa Việt luôn hàm chứa ý nghĩa sâu xa, như vì sao họ Nguyễn lại có lúc đổi thành họ Hồ, hay vì sao mỗi cái tên đều mang theo khát vọng, kỳ vọng của gia đình.
Khi được khắc họa bằng nét thư pháp điêu luyện, cái tên không chỉ trở thành biểu tượng đẹp đẽ mà còn lưu giữ những cảm xúc yêu thương, nhung nhớ dành cho một người. Và cũng bởi thế, cái tên - giản dị nhưng đầy tâm huyết - mãi mãi là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và trong trái tim mỗi người Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét