Lenin: “ Learn, learn, and learn”. Có thể dịch là học, học nữa, học mãi.
Việc học luôn quan trọng, dù là bất cứ đâu, bất cứ khi nào, bất kể với ai. Nó được xét dưới nhiều hình thức, có thể là bài bản, cũng có thể là tự đào tạo, hoặc học lại từ kinh nghiệm của người đi trước. Dẫu thế nào, thì khi tiếp cận với bất kì điều gì, học tập nghiêm túc luôn là nền tảng tiếp cận đầu tiên của mọi lĩnh vực, nhất là nghệ thuật.
Trong thư pháp, rất nhiều người lầm tưởng vào thả hôn sáng tác có thể thay thế được nền tảng học thuật và kỹ thuật chuyên nghiệp, thì hôm nay chúng ta sẽ giải thích vấn đề này.
Như Lenin đã nói, học tập là một quá trình diễn ra liên tục suốt cuộc đời, không chỉ thông qua những nền tảng lý luận, mà còn phải thông qua trãi nghiệm thực tế. Học đi đôi với hành, khi quyết định đầu tư tiền bạc, công sức, thời gian vào một khía cạnh nào đó, thì nên xác định rõ đích đến của mình ở đâu. Cho nên, tính tự giác trong việc học là vô cùng quan trọng.
Người ta sẽ tự giác thông qua 2 phương pháp ( hoặc cả 2) sao cho hiệu quả và phù hợp nhất với khả năng cũng như giá trị nền tảng của bản thân. Gồm thông qua hệ thống đào tạo, như học từ thầy, khóa học, hay những hệ thống lý luận chặt chẽ, nơi có những chuyên gia dầy kinh nghiệm đủ sức điều chỉnh tiến độ của bản thân.
Và phương pháp thứ hai, là tự đào tạo. Học qua những nền kiến thức từ sách, internet, thực nghiệm của bản thân hoặc trau dồi từ góp ý của những mạng lưới giao tiếp có thể tìm thấy, như hội nhóm, bạn bè đồng môn,…
Cả 2 phương pháp trên, đều cần rất nhiều kiên trì và tự giác. Thông thường hiệu quả nhất là sử dụng cả hai, hoặc hiểu biết về bản thân đủ để chọn phương pháp có lợi cho tính cách, cuộc sống của chính mình.
Lấy ví dụ, tớ từng thấy một số bạn khi tham gia hệ thống đào tạo, sẽ mất đi tính linh hoạt vốn có, khó tiếp thu và khó nắm bắt được tiến độ. Cá nhân bạn phù hợp với việc thực hành và tự rút kinh nghiệm, cũng như niềm vui và trách nhiệm khi tự mày mò kiến thức. Điều này khiến bạn tự tin và có đường lối phát triển nhanh hơn.
Một số bạn khác, khi tự đào tạo sẽ rơi vào trạng thái mông lung, cứ chăm chỉ hoài một phương pháp không hiệu quả. Càng trở nên mơ hồ dưới bể kiến thức vì không có chiến lược thích hợp. Những bạn này lại thích hợp với cầm tay chỉ việc hơn, không phải suy nghĩ càng né được khả năng đi lạc đường.
Và nhiều nhất, là tớ thấy mọi người vừa tham gia hệ thống đào tạo, vừa tự đào tạo cho riêng mình. Chiều sâu chiều rộng đều có đủ, vô cùng nghiêm túc và đáng tuyên dương.
Trong thư pháp, đúng là một ngành nghệ thuật thì luôn luôn phải có cảm xúc vào. Nhưng nếu thiếu đi kỹ thuật, thì đôi khi sẽ khó khăn, bất cập trong việc trôi chảy trình bày cảm xúc đó. Và nếu có thể tạo ra được tác phẩm mà không cần kỹ thuật, thì tác phẩm đó không mang giá trị thẩm mĩ là bao.
Cho nên, thư pháp nói riêng và nghệ thuật nói chung, kỹ thuật cần là nền tảng, như một chiếc cần câu giúp nghệ sĩ thể hiện bản thân, mà tác phẩm ấy còn có giá trị, chứ không phải lấy làm đề tài tranh cãi vì kém tính lý luận.
Một số cá nhân thuận đường mày mò khá sai lầm khi cho rằng, nghệ thuật chỉ cần thối hồn vào đó, miễn có cảm hứng là được. Không cần học hỏi, càng không cần trau dồi kiến thức. Đây là một sai lầm khá phổ biến, nhưng đầu tiên hãy xét xem người tiếp cận nghệ thuật ấy, mục tiêu họ là gì.
Nếu họ tiếp cận vì niềm vui, trãi nghiệm, và thư giãn. Thì đúng là nên để hành trình dưới dạng trãi nghiệm, không cần thiết thêm quá nhiều kiến thức, lý luận làm gì. Đôi khi học nhiều quá cũng mất cảm hứng và cảm xúc yêu thích thuở ban đầu, thì lại không hợp lý với mục tiêu của bạn.
Nhưng, nếu ai đó tiếp cận dưới hình thức đồng hành, mà vẫn khăng khăng rằng tùy hứng mới là nền tảng tạo tác, thì chắc chắn sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức để vòng đi vòng lại lý thuyết, tác phẩm tạo ra cũng thiếu chiều sâu của tri thức.
Để tạo lập nên một tác phẩm thư pháp, cần 2 yếu tố
1. Là kỹ thuật vừa đủ để hỗ trợ việc trình bày tác phẩm. Chúng ta vẫn chưa nói đến kỹ thuật chuyên nghiệp để làm nên dấu ấn cá nhân, mà đây chỉ mới là kỹ thuật nền tảng đủ để linh hoạt trong việc trình bày.
2. Là tư duy có chiều sâu, trãi nghiệm sống đủ dầy, để thể hiện nên sáng tạo mang tính có câu chuyện, hay có giá trị, đủ thông tin để phân tích cảm hứng.
Cả 2 yếu tố này, rất cần cân bằng, bởi lẽ tạo tác thuần kỹ thuật thì lại mất tính sáng tạo của nghệ thuật, còn tạo tác không kỹ thuật thì lại mất đi tính sâu sắc và phân tích cốt lõi.
Thực tế thế này, bộ môn thư pháp nói riêng, và bất kì chuyên ngành nào nói chung, việc từ đề mục ra 1 lộ trình đảm bảo vững được cả 2 yếu tố kỹ thuật lẫn cảm hứng thì vô cùng bất trắc, chưa kể đến việc tự học thì như tớ đã chia sẻ, là 1 quá trình tự giác bám sát kiến thức.
Ấy mà kiến thức nào cũng là trời cao biển rộng, không bị ngộp thì cũng choáng váng, khi bản thân chưa có kinh nghiệm chiến lược trong những hành trình tự mày mò.
Đảm bảo được kỹ thuật căn bản của thư pháp, thông thường sẽ mất tầm 6 đến 8 tháng, mỗi ngày 2 giờ liên tục, không nghĩ ngơi.
Hiệu quả của 1 cuộc hành trình nhanh, là tâm thức ổn định, không rơi vào trạng thái chán, mất cảm hứng ban đầu, hoặc nản chí. Bởi vậy, 2 tiếng 1 ngày trông khá dễ, nhưng để duy trì liên tục 8 tháng ( nếu bạn xuất chúng) là một điều không tưởng.
Bởi lẽ nền tảng ở đây là bắt chước, chép chữ, học kỹ thuật căn bản như làm quen với bút, giấy, bố cục. Những điều này không có tính sáng tạo, tùy hứng, hay tác phẩm dấu ấn cá nhân này ở đây cả.
Với kinh nghiệm của tớ, hoặc là tìm những khóa học, lớp học có bài bản, hạn chế tìm đường lạc lối, thì cân bằng giữa việc giữ lại cảm xúc cũng như sự đều đặn trong quá trình mới là điều quan trọng.
Quan trọng không phải là đạt được kỹ thuật, nắm vững kiến thức trong thời gian nhanh nhất, mà là việc hành như thế nào. Cứ đi từ từ, chậm mà chắc. Kỹ thuật được tiếp thu chậm rãi theo nhận thức bản năng, không có áp lực, thì sẽ nuôi dưỡng được sự thích thú, tò mò, và tự công nhận đến từ việc đủ thời gian nhận thức rõ tiến bộ của chính mình.
Nếu chúng ta đi quá nhanh, làm sao có thể cảm thấy vui khi không thấy bản thân có tiến bộ từng bước nhỏ nhặt?
Cho nên, bỏ qua giai đoạn ban đầu này là một thiếu sót lớn của sự vui vẻ, cũng như là nền móng của việc tạo tác những tác phẩm “ tùy hứng” sau này. Bởi lẽ, tác phẩm thuận lòng là một chuyện, bố cục, ấn chương, kiến thức thư phổ sẽ là một chuyện khác, và khi chúng ta xây dựng được sáng tạo trên những nền tảng chặt chẽ, thì đó mới là những tác phẩm nghệ thuật chân chính.
Vô giá với nghệ sĩ, đắt giá với thị trường thương mại.
Có một câu chuyện như thế này, khi làng sóng “ Nghệ thuật hiện đại – ModernArt” bắt đầu nảy ra những cá nhân lệch lạc, người ta tin rằng có những tác phẩm chỉ cần câu chuyện là đã đủ được gọi là tác phẩm nghệ thuật, bất chấp tính kiến thức của nó. Họ ngang nhiên cho rằng, nghệ thuật là ám chỉ sự tự do và bay bổng trong tư duy của nghệ sĩ, nó mới là cốt lõi và quan trọng nhất, nên chỉ cần chú tâm vào nó.
Có một bạn nhỏ cũng hào hứng với tư duy này, nên đã tự sáng tác những tác phẩm thư pháp mà không có bất kì sự luyện tập hay kỹ thuật căn bản nào. Bạn nghĩ rằng, nghệ thuật sáng tạo sẽ được thấu hiểu bằng tạo tác của những nét mực loằng ngoằng.
Tuy nhiên, khi bước vào giới chuyên môn, thì bạn vỡ lẽ, bởi tác phẩm của bạn không phải thư pháp. Đây chỉ đơn thuần là những nét vẽ ngẫu hứng, không nguyên tắc, không cẩn thận, càng không phải họa ký.
Vốn là viết chữ, nhưng tại sao người khác phải luyện tập vài năm mới có nét chữ, thì khi bạn nhỏ nghĩ rằng bản thân có thể skip bước này đã là một tư duy sai.
Trong nghệ thuật, thì nghệ gắng liền với thuật cơ mà.
Nên bạn yêu này, tớ rất hiểu mong muốn được bay bổng, thả hồn vào nghệ thuật ở thuở ban đầu, khi bạn lỡ nhịp một ánh nhìn với thư pháp. Nhưng ông bà ta có câu “ dục tốc bất đạt”, tại sao mình không nuôi dưỡng tình yêu này thành một điều gì đó vững mạnh và lớn lao, thông qua sự nghiêm túc học tập, tiếp thu và rèn luyện của mình? Đến lúc đó, chắc chắn Feeling này không chỉ là minh chứng của một hạnh phúc đến từ đam mê, còn là sự công nhận của giới chuyên môn, khi feeling đến từ learning.
Đối với tớ, bạn yêu nào cũng rất giỏi. Và sự giỏi giang này không đến từ ai hoàn thành kỹ thuật trong thời gian nhanh hơn, hay ai có những tạo tác phá cách hơn. Mà sự giỏi giang này đến từ việc ý thức hành trình này có giá trị như thế nào đối với cá nhân bạn.
Là sự tìm thấy bản thân thông qua nghệ thuật, hay là sự trau dồi phát triển giá trị của chính mình, thông qua quá trình rèn luyện miệt mài. Sự tiến bộ trong tư duy, dồi dào trong hiểu biết, hoặc chỉ đơn giản là một niềm thích thú được duy trì gần ấy năm mà không hề lung lay.
Mỗi giai đoạn trong hành trình học thư pháp đều có giá trị của riêng nó, và giá trị này phải cần đến bạn yêu tự khám phá, tự tận hưởng, duy trì. Cho nên, đừng bỏ qua giai đoạn xây dựng nền móng nhé, vì giai thoại này vô cùng quan trọng, không chỉ là thử thách của sự kiên trì, tỉ mẫn, mà còn là công cụ để việc tùy duyên tạo tác sau này được bay cao, bay xa hơn.
Hãy trở thành một người viết chữ am hiểu bút pháp, cũng như một người sống với tâm thế chân thành, yêu đời, không ngại thử thách. Tớ tin là chỉ có như thế này thì bạn yêu mới khai thác được hết tiềm năng tận sâu của mình, cũng như nhìn thấy được hết cái yêu, cái tươi vui mà nghệ thuật hay cuộc đời mang lại cho bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét