“Trước thời kỳ người Hoa chiếm cứ miền Hoa Hạ không có nền văn minh nào khác ngoài nền văn minh của nước Văn Lang xưa. Từ nền văn minh Khoa Đẩu đã chuyển thành nền văn minh Việt Nho cổ. Vua Hạ Vũ đã có công đồng hóa nền văn hóa nông nghiệp Việt Nho, vốn là nền văn hóa bản địa, vì có như thế mới dạy được dân Hán du mục trở thành dân nông nghiệp và mới có thể cai trị và đồng hóa dần được dân bản địa vốn đã sống lâu đời ở vùng Hoa Hạ này. Người Hán đã có công dùng chữ Nho để “phiên âm” tiếng Hán, tạo nên chữ Hán (vốn bắt nguồn từ chữ Việt Nho) và nền văn hóa “Hán Nho”. Họ đã dùng Hán Nho để bành trướng nền văn hóa Hán tộc. Tuy nhiên, chính nền văn hóa Hán tộc lại đã chịu ảnh hưởng sâu sắc và mang dấu vết đậm nét của nền văn hóa Việt Nho cổ. Điều này giải thích nhiều từ ngữ Hán – Việt có chung ý nghĩa từ rất xa xưa truyền lại cho đến hiện nay” (Nguyễn Tuấn- Sự tồn tại của nền văn minh Khoa Đẩu).
Hiện chưa có tài liệu nào về nghệ thuật thư pháp trong thời kỳ trước nền văn hóa Hán tộc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử “…nghệ thuật vốn không có biên giới, trong nghệ thuật có những đỉnh cao mà ai cũng muốn hướng tới chứ không nhất thiết phải có một định nghĩa quốc gia. Nghệ thuật thư pháp cũng vậy. Bản thân thư pháp xuất phát từ cộng đồng sử dụng chữ Hán làm văn tự chứ không phải xuất phát từ một quốc gia nào cả. Người Nhật Bản đón nhận Vương Hy Chi (nhà thư pháp nổi tiếng thời Tấn) một cách nồng nhiệt, người Hàn đón nhận Triệu Mạnh Phủ (nhà thư pháp nổi tiếng thời Nguyên)…, rất nhiều thư pháp gia của Trung Quốc đều ảnh hưởng một cách mạnh mẽ lên các nước đồng văn… Từ buổi đầu độc lập xây dựng nên thể chế chính trị vững vàng song hành cùng sự phát triển vượt trội về văn hóa, nghệ thuật, hai triều đại Lý, Trần đã đưa nền thư pháp Đại Việt phát triển đến độ cực thịnh… Tới thời Nguyễn thì nghệ thuật thư pháp trăm hoa đua nở, đa dạng và phong phú”. Mặc dù vậy, cho đến nay, ngoài những tác phẩm của những thư gia xưa còn để lại, người ta chưa hề tìm được những tài liệu mang tính giáo khoa về thư pháp của người xưa.
Lịch sử thư pháp Hán Nôm tại Việt Nam đã không khép lại cùng với sự cáo chung của Nho học ở khoa thi cuối cùng tại Nam Định năm 1915. Phải rất lâu sau, phong khí đó mới s húydần đi xuống, chí ít phải đến khi nhà Nguyễn kết thúc vai trò của mình trong lịch sử. Ngay cả trong thời điểm hiện tại thì nó vẫn là một nguồn mạch âm ỉ chảy trong lòng văn hóa của dân tộc. Đặc biệt trong ba mươi năm trở lại đây, phong trào học tập thư pháp, sáng tác thư pháp dần dần được khôi phục trở lại, bởi những người còn tương đối trẻ, và tôi tin họ sẽ là những người viết tiếp câu chuyện cũ bằng một ngòi bút mới!”
Vậy chúng ta tự hào về điều gì khi quyết định chọn chữ thuộc hệ latinh làm chữ quốc ngữ và vì sao chúng ta cần bảo tồn, phát huy truyền thống nghệ thuật thư pháp Hán Nôm?
Khi “con chữ” trở thành hàng hóa, trở thành phương tiện kiếm tiền, thư pháp không còn đi theo hướng nghệ thuật để trở thành nghệ thuật thư pháp nữa. Nó đã đẩy người ta vào vòng xoáy của nghệ thuât kinh doanh. Người ta không còn cố gắng sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật mà say sưa dồn sức lực, tài năng vào tạo ra sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Họ đã rẽ sang một hướng khác – thư nghệ (nghề viết chữ). Rất nhiều người đi học các lớp thư pháp nhằm mục tiêu có thể ra được các phố ông đồ, các hội chữ Xuân viết chữ kiếm tiền. Người ta cho rằng chỉ như vậy là thỏa mãn yêu cầu người học. Nói cách khác, nội dung, cách dạy và học hiện nay chỉ nhằm đào tạo thợ viết, không thể đào tạo những người sáng tác trong nghệ thuật thư pháp (nhà thư pháp, nghệ sĩ thư pháp). Với việc thu nhận hoc sinh không có chọn lọc, với cái cách đào tạo như vậy có thể nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của người dạy và người học, tuyệt nhiên không phải, nếu không muốn nói là không thể đào tạo những người biết sáng tạo trong nghệ thuật.
Họa sĩ Trần Tuy trong bài “Ấn tượng về một triển lãm thư pháp Nhật Bản” đăng trong tạp chí MỸ THUẬT số 96 (61) (1 – 2004) – Hội Mỹ Thuật Việt Nam viết “…ý định Việt Nam có thư pháp là rất đáng trân trọng nhưng sau những gì được thấy, thư pháp Việt Nam chưa thật được những người yêu chữ hài lòng”. Đó là câu kết ngắn gọn nhưng đầy đủ và chinh xác về thực trạng thư pháp chữ Việt, cũng là mong muốn chân thành của những người yêu chữ.
NHỮNG THÁCH THỨC TRONG SÁNG TÁC THƯ PHÁP VIỆT NAM
Chưa bao giờ phong trào Thư pháp lại rầm rộ như hiện nay. Tuy nhiên, người ta đang đứng trước những thách thức rất lớn, cần phải vượt qua. Nếu không, đến một lúc nào đó, phong trào sẽ gặp bế tắc.
Đối với những người theo đuổi Thư pháp Hán , Nôm
Thách thức đầu tiên là ở vốn hiểu biết của mình đối với loại chữ này. Muốn thể hiện loại Thư pháp này, trước hết phải hiểu một cách sâu sắc từ ngữ mà ta muốn thể hiện. Sự hiểu biết đó làm sao sánh được vốn hiểu biết đã được ngấm sâu trong con người bản xứ từ thuở ấu thơ. Tôi dẫn ra đây một thực tế mà ai cũng có thể thấy được. Khi chửi thề tục tĩu bằng tiếng mẹ đẻ, một người có giáo dục sẽ cảm thấy rất xấu hổ. Nhưng khi dùng tiếng nước ngoài để chửi thề, nhiều khi ta cảm thấy bình thường. Nhiều người nước ngoài sang Việt nam học tiếng Việt, có người “nghịch ngợm” dạy họ chửi và họ chửi rất thản nhiên, không chút ngượng ngùng, bởi vì họ không cảm nhận một cách sâu sắc ý nghĩa của những từ đó. Để có thể hiểu ngôn ngữ như người bản xứ đòi hỏi chúng ta phải học hỏi rất nhiều, phải có một quá trình giao tiếp sâu sắc với họ. Điều này không dễ một chút nào, nếu không muốn nói là cực kỳ khó khăn.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, chữ Hán đã trở thành chữ viết trong hệ thống hành chính và sau đó là chữ Nôm được sử dụng trong các văn bản truyền thông, giao dịch, văn học, nghệ thuật… Tuy nhiên, thời kỳ đó, hơn 90% dân ta mù chữ. Những người biết các loại chữ đó rất ít. Đến nay, khi chữ Việt (hệ la tinh) trở thành chữ Quốc Ngữ thì Hán, Nôm đã thành “ngoại ngữ” và số người biết và sử dụng chúng cũng rất ít.
Đối với những ai theo đuổi thư pháp Hán Nôm, việc phải học thứ chữ này là một khó khăn không hề nhỏ. Hơn nữa, với góc nhìn thư pháp, học để đọc thông viết thạo thôi chưa đủ , mà còn phải nghiên cứu để hiểu một cách sâu sắc ngữ nghĩa và những đặc thù về mặt tạo hình các con chữ nên khó khăn càng tăng lên gấp bội.
Chữ Hán Nôm có xuất xứ từ chữ tượng hình, được trau chuốt từ hàng ngàn năm và đã có nhiều thể chữ với những bố cục đường nét sinh động, hợp lý, bởi vậy, chưa cần “dụng pháp”, chỉ cần sao chép đúng nguyên mẫu (font chữ) trông đã đẹp rồi. Đó là một thuận lợi trong sáng tác thư pháp. Tuy nhiên, trong những thuận lợi đó lại nẩy sinh những khó khăn không nhỏ. Thách thức đó nằm ngay trong thuộc tính của chữ Hán, Nôm, đó là trong từng kiểu chữ đều có những luật riêng, khá chặt chẽ, buộc người viết phải tuân theo. Luật lệ càng chặt chẽ bao nhiêu, càng có nhiều hạn chế khả năng diễn đạt, biểu cảm bấy nhiêu. Trong cái lồng chật hẹp đó các nhà thư pháp rất khó xoay sở để sáng tạo. Ngoài ra, để đạt đến mức gây được cảm xúc (mỹ cảm) cho người thưởng thức, viết đúng và đẹp là chưa đủ, người sáng tác phải có trình độ nhất định trong nghệ thuật cách điệu. Nghệ thuật cách điệu không phải có sẵn, người ta chỉ có nó sau một quá trình học tập, rèn luyện kiên trì, gian khổ một cách bài bản. Hơn nữa, dù có nỗ lực, kiên trì đến mấy, không phải ai cũng đạt được thành công, bởi lẽ, không phải ai cũng có khả năng nắm bắt được nghệ thuật đó.
Ở Việt Nam hiện có Viện Hán Nôm và rất nhiều các lớp học ngôn ngữ Hán Nôm chính qui ở các trường Đại học Ngoại ngữ và không chính qui ở các lớp như Thành Nam, Hương Nam, Chùa Tảo Sách, Nhân Mỹ Học Đường, Bích Câu Đạo Quán… Mục tiêu chính của tất cả các lớp hiện có chỉ là dạy cho các học viên hiểu biết ngôn ngữ Hán Nôm. Những lớp không chính qui, nếu có “đụng chạm” tới thư pháp cũng chỉ là hướng dẫn người học biết dùng bút lông viết được chữ theo đúng mẫu, theo đúng chương pháp (những điều hết sức sơ lược về Thư Pháp). Bởi vậy khi tuyển sinh, người ta không hề có bài thi năng khiếu như đối với các trường Mỹ Thuật. Chính cái “đụng chạm” đó đã gây ảo tưởng cho người học về năng lực thư pháp của họ. Những chuyện bi, hài nẩy nở không có điểm dừng phát sinh sinh từ đó. Không ít người chưa tới ngưỡng cửa “ông đồ” đã tự cho mình là “thầy thư pháp”, là “nhà thư pháp”, thậm chí “kỷ lục gia thư pháp”. Họ lẩn tránh bởi không dám, không có khả năng đối mặt với những thách thức trên con đường đến với thư pháp.
Đối với những người theo đuổi Thư pháp chư Việt
Thư pháp chữ Việt bắt đầu nẩy nở vào những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ XX, trong đó người ta chọn bút lông làm công cụ thể hiện. Về một mặt nào đó, có thể coi đó như một sự “phá cách”. Như ta biết, để viết chữ Việt, người ta thường dùng bút cứng như bút chì, phấn… hoặc dùng bút đàn hồi như bút sắt, bút lông ngỗng… Ngòi bút đàn hồi là loại ngòi bút khi viết nó chỉ bị biến dạng đàn hồi chứ không bị biến dạng dư. Khi bị biến dạng dư, ta có thể coi ngòi bút đó đã hỏng. Đặc điểm này khiến người sử dụng khá thuận lợi trong khi viết và thích hợp với loại chữ đòi hỏi sự nhịp nhàng, đều đặn. Bút lông thì khác. Khi viết, nó không chỉ bị biến dạng đàn hồi mà còn bị biến dạng dư. Khả năng diễn đạt của bút lông là hết sức phong phú, không đơn điệu như bút sắt (trong chữ La tinh). Tuy nhiên, sử dụng bút lông không dễ dàng chút nào. Nếu như tính đàn hồi của bút sắt hỗ trợ cho người viết chữ la tinh thì tính biến dạng dư của bút lông lại gây khó khăn cho người sử dụng, đòi hỏi họ phải có kỹ năng nhất định để điều khiển biến dạng dư theo ý muốn. Khi dùng bút lông thay cho bút truyền thống, các tác giả có thể đã thấy được khả năng tuyệt vời của nó, tuy nhiên, họ đã “tuyên chiến” với chính năng lực của mình. Dùng bút lông thực sự là một nghệ thuật đòi hỏi quá trình rèn luyện công phu, bài bản. Tuy nhiên, khó khăn này có thể được khắc phục nếu người cầm bút có năng khiếu và kiên trì rèn luyện. Một khó khăn rất lớn trong sáng tác xuất phát từ đặc tính của chữ Việt (hệ latinh). Chữ Việt không phải là loại chữ có xuất xứ “tượng hình” mà được hình thành thuần túy theo qui ước. Mỗi từ bao gồm một đến bảy chữ cái được dàn trải một cách đơn điệu theo chiều ngang với những yếu tố tạo hình rất nghèo nàn. Để đạt được những tiêu chí nghệ thuật của một tác phẩm nghệ thuật, người sáng tác phải có năng lực sử dụng nghệ thuật cách điệu với bố cục hợp lý. Năng lực đó chỉ có thể có nếu người sáng tác được học và rèn luyện một cách bài bản. Rất tiếc, phần lớn những người theo đuổi thư pháp hiện nay không được đào tạo một cách bài bản như vậy, bởi lẽ, Việt Nam, cho đến nay, chưa có nơi nào đào tạo chính qui về Nghệ Thuật Thư Pháp. Những lớp “thư pháp” thường thấy hiện nay, thực ra, chỉ đào tạo những người biết cách dùng bút lông viết chữ y mẫu theo kiểu “truyền nghề” mà thôi. Những người thực sự thành công rất ít ỏi.Trong số đó, phần lớn là những người theo thư pháp Hán Nôm, được đào tạo chính qui về nghệ thuật tạo hình.
Cuối cùng, một thách thức cần phải quan tâm, đó là áp lực của dư luận. Có ý kiến cho rằng mình thích thì cứ viết cần gì phải chú ý tới dư luận, bàn cãi làm gì cho mất thì giờ. Nếu mình chỉ viết cho mình, thì có thể là như vậy. Nhưng, chơi một mình, phỏng có thú vị gì (?).Dư luận dù là áp lực nhưng cũng rất cần thiết, giúp ta soi lại mình, tránh chủ quan. Làm cho dư luận ủng hộ mình cũng là thành công rất đáng kể. Chịu nghe cũng là điều rất có lợi, giúp mình hoàn thiện hơn. Chúng ta không sợ dư luận nhưng phải coi trọng dư luận, phải tỉnh táo và vững vàng trước dư luận.
Ý NGHĨ CỦA TÔI TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP
Để xác định được lối đi đúng đắn, trước hết phải hiểu thư pháp là nghệ thuật. Nghệ thuật là một cái gì đó kích thích tư duy, cảm xúc, niềm tin, hay ý tưởng theo hướng tích cực của con người thông qua giác quan (với nghệ thuật thư pháp, giác quan đó là thị giác). Bởi vậy mọi nghệ thuật đều có tiêu chí chung mà một tác giả ở bất kỳ quốc gia nào, phải vươn tới. Nói cách khác, bất kỳ một cái gì do con người tạo ra chỉ được coi là có giá trị nghệ thuật khi nó kích thích được tư duy, cảm xúc, niềm tin hay ý tưởng… của người thưởng thức. Điều đó có nghĩa rằng giá trị nghệ thuật đã vượt qua mọi biên giới (địa lý, dân tộc, giới tính, tuổi tác…), vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng… để đến với mọi người. Một bức thư pháp chỉ được coi là tác phẩm nghệ thuật nếu những con chữ tác giả viết ra vượt qua được chức năng thể hiện ngữ nghĩa đơn thuần. Người xem dù không hiểu tác giả viết chữ gì nhưng vẫn có thể cảm nhận được giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Nếu không, dù đẹp, rõ ràng, sạch sẽ đến mấy, nó chỉ là một bản ghi chép thông tin thông thường, không thể gọi là tác phẩm nghệ thuật thư pháp được.
Qua những gì diễn ra trong thực tế, tôi cảm thấy sự bất hòa nghiêm trọng giữa những người theo đuổi nghệ thuật thư pháp với những người theo đuổi nghệ thuật tạo hình, thậm chí giữa thư pháp chữ Việt với thư pháp Hán Nôm. Họ kỳ thị, coi thường, thậm chí rất ghét nhau. Các họa sĩ cho rằng họ được đào tạo rất bài bản còn chưa “ăn ai” huống hồ những “nhà thư pháp” chân chưa bén đất cật chẳng tới trời lại cứ huênh hoang, ngạo mạn cho rằng “nhất chữ, nhì tranh…” Các tác giả thư pháp lại cho rằng giới họa sĩ không hiểu gì về nghệ thuật thư pháp, không đủ trình độ đánh giá các tác phẩm thư pháp. Một số họa sĩ không lý giải được tại sao họ đã từng có tác phẩm hội họa được chọn tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc nhưng mỗi khi gửi tác phẩm thư pháp đến tham gia đều bị hội đồng nghệ thuật từ chối với lý do “không hợp”. Sự bất hòa còn xảy ra trong nội bộ những người theo đuổi Thư pháp Việt Nam giữa Hán Nôm và chữ Việt (quốc ngữ). Chẳng ai nghe ai, chẳng ai chịu ai. Giữa họ không có tiếng nói chung. Những người hiểu biết chỉ còn cách “im lặng” và khuyên nhau “thôi, kệ!”. Trái với khuynh hướng kỳ thị, chê bai nhau…, khuynh hướng tâng bốc nhau đang phát triển mạnh. Khuynh hướng đó gây tác hại không nhỏ đến sự phát triển của Thư pháp Việt Nam. Họ khen những cái không nên khen, khuyến khích những cái không nên khuyến khích gây ảo tưởng cho người được khen, thậm chí thui chột những tài năng vừa nhen nhúm.
Người ta đang cố gắng tạo nên một sân chơi mang tên “Nghệ thuật Thư pháp”, ai thích thì chơi, ai chơi cũng được, miễn bàn luận, miễn phê phán với phương châm “vui là chính”. Thực sự, nó đang trở thành một sân chơi có sức lôi cuốn mạnh mẽ, có ý nghĩa tích cực nhất định. Tôi cũng đã và đang tham gia sân chơi đó và chơi hết mình. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong thực tế khiến tôi cảm thấy với nhiều lý do khác nhau, không phải ai cũng muốn tham gia sân chơi đó. Với phương châm “vui là chính” người ta buộc phải tuân thủ “luật bất thành văn”- chỉ được khen nhau, chấp nhận nhau vô điều kiện, miễn góp ý, phê bình dù “chướng tai, gai mắt”… Một số người cảm thấy sân chơi đó có hại nhiều hơn có lợi, thậm chí dễ nhiễm bệnh ảo tưởng…
Tôi tham gia các sân chơi không phải được vui là chính mà muốn tìm hiểu thực trạng phong trào TP Việt Nam, để học được những bài học cần thiết, để hiểu mình, hiểu người, tránh được những sai lầm và xác định cho mình một hướng đi đúng đắn tiếp cận nhanh chóng nghệ thuật thư pháp. Tôi ước ao đến một ngày nào đó, các trường Mỹ Thuật nếu không có chuyên ngành thì cũng có những chuyên đề về Nghệ Thuật Thư Pháp. Có như vậy, nghệ thuật thư pháp Việt Nam mới có thể định hình và phát triển bền vững được.
Chắc ngày ấy còn xa xôi lắm!
ĐẶC TÍNH VÀ Ý NGHĨA CỦA THỂ CHỮ ĐẢO
1. Thể chữ đảo gợi cho ta nhớ đến một đạo lý: Khi đánh giá bất cứ sự việc, hiện tượng con người nào… phải nhìn môt cách toàn diện, dưới các góc độ, các hướng khác nhau mới có thể thấy được giá trị đích thực của chúng. Chúng ta đã quá quen với mặt trước (mặt phải) của chữ viết. Tuy nhiên khi nhin mặt sau (mặt trái), nhất là khi xoay dọc chữ, ta sẽ thấy nhiều điều mới lạ, thú vị của con chữ.
2. Một trong những lý do người ta cho rằng không thể có cái gọi là nghệ thuật thư pháp chữ Việt là vì chữ Việt không phải là loại chữ tượng hình như chữ Hán. Chữ Việt là loại chữ tượng âm nên không đủ các yếu tố tạo hình để có thể nâng chữ lên tầm nghệ thuật. Những nguyên tắc hình thành thể chữ đảo đã bổ sung các yếu tố tạo hình rất phong phú cho chữ Việt, biến chữ Việt thuần túy tượng âm thành chữ Việt có khả năng tượng hình, tượng ý rất phong phú, sinh động không thua kém bất cứ loại chữ tượng hình nào trên thế giới.
3. Con đường hình thành thể chữ đảo không theo con đường mòn sẵn có, lại càng không phải là con đường bắt chước một cách máy móc bất cứ thể loại nghệ thuật thư pháp nào trước đó. Nó là con đường thừa kế, tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật thư pháp truyền thống để vươn lên tầm cao mới của giá trị nghệ thuật.
4. Thể chữ đảo kích thích, giải phóng năng lực sáng tạo của người viết. Người viết không còn bị ràng buộc quá chặt bởi luật viết. Bởi vậy, khi học viết thể loại này không có một khuôn mẫu nào hết, mỗi người học phải sáng tạo cách viết riêng cho mình phù hợp với từng trạng thái, ngữ cảnh khác nhau. Thể chữ này kích thích sự sáng tạo nhưng cũng thách thức khả năng sáng tạo của người viết. Bởi vậy không phải ai cũng thành công khi sử dụng nó. Chỉ có những người thấu hiểu nó, có quyết tâm rèn luyện, thực sự có tiềm năng mới có thể học và sử dụng thành công. Rất nhiều người thích nhưng không có tiềm năng nên không học nổi và thường nản chí sau môt thời gian học ngắn ngủi.
5. Trình tự cảm nhận tác phẩm thuận thư pháp và đảo thư pháp của người thưởng thức thường ngược nhau. Với tác phẩm thuận thư pháp, Cái người xem thường chú ý ngay từ đầu là xem tác giả viết chữ gì. Sau đó mới xem xét tác giả viết có chuẩn, có đẹp hay không. Quá trình xem xét đó ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc của người xem. Người xem thường dễ chấp nhận và dừng lại ở cái đẹp bề ngoài của con chữ. Bởi vậy, tác giả chỉ cần viết đúng và đẹp thôi đã có rất nhiều người vừa ý và khen ngợi. Các tác giả thường dừng lại ở mức đó đã cảm thấy thành công mĩ mãn. Điều đó thường gây ảo tưởng về năng lực của mình và cảm thấy sáng tác thư pháp chữ Việt sao dễ dàng đến vậy! Do đó rất hiếm người chịu rèn luyện để vươn tới trình độ thể hiện có thể gây được cảm xúc cho người xem. Với tác phẩm đảo thư pháp, vẻ đẹp và cảm xúc là cái đầu tiên níu kéo người xem dừng lại chiêm ngưỡng tác phẩm. Nếu tác giả không đủ trình độ thể hiện, gây được mỹ cảm (cảm xúc đẹp) cho người xem, họ sẽ bỏ đi ngay, không chú ý nữa. Bởi vậy, mặc dù thể đảo tạo điều kiện thuận lợi cho tác giả khi sáng tác nhưng để tận dụng lợi thế đó không hề dễ dàng chút nào. Ngược lại với trường hợp thuận thư pháp, những tác giả đảo thư pháp cảm thấy sáng tác thư pháp sao khó khăn đến vậy!
6. Một khi các tác giả đảo thư pháp đạt được thành công trong sáng tác – gây được rung cảm cho người xem, cảm xúc của người xem sẽ vỡ òa khi biết rằng đó là thể chữ đảo, nhất là khi họ đọc được thể chữ đó. Đó là một trong những đặc tính rất thú vị của đảo thư pháp.
Như vậy, có đủ cơ sở để lạc quan về triển vọng của thể chữ đảo:
Viết ngược mà không trái ý đời
Đảo pháp phải đâu chỉ để chơi
Nét nét chập chùng như mây cuốn
Hàng hàng dồn đẩy tựa sóng dồi
Tưởng chừng lạc bước nơi sâu thẳm
Thấy như hồn thả giữa chơi vơi
Nhìn ngẫm trước, sau từng nét lạ
Mới hay chữ Việt đẹp tuyệt vời!
BÀI PHÁT BIỂU TRONG LỄ KHAI GIẢNG LỚP SÁNG TÁC ĐẢO THƯ PHÁP VIỆT NAM
Trước hết cho tôi được vui mừng bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đối với các vị khách quí đã bỏ chút thời gian đến dự LỄ KHAI GIẢNG LỚP HỌC SÁNG TÁC ĐẢO THƯ PHÁP hôm nay. Quí vị đã cho tôi một cơ hội giãi bày một điều tâm huyết mà tôi ấp ủ bao năm qua, đó là, tổ chức lớp HỌC SÁNG TÁC ĐẢO THƯ PHÁP VIỆT NAM.
Nhân dịp này cho phép tôi được chia sẻ với quí vị vài điều:


1. Thư pháp Việt Nam “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã có sức lan tỏa đến chóng mặt. Những sân chơi thư pháp như các trang trên net, các câu lạc bộ, đặc biệt là các lớp dạy thư pháp nở rộ như nấm sau mưa. Thuật ngữ “Thư Pháp”, từ chỗ còn xa lạ, ít ai biết đến đã trở nên quen thuộc đối với hàng triệu người trên khắp đất nước. Thư Pháp ngày nay đã trở nên món ăn tinh thần có ý nghĩa tích cực trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Thực sự, Thư Pháp “Vui là chính” đã trở thành khẩu hiệu, tiêu chí của hầu hết các sân chơi thư pháp. Đem đến niềm vui cho mọi người là điều đáng quí, đáng trân trọng. Tuy nhiên để niềm vui đươc ngày càng lan tỏa một cách trọn vẹn, thư pháp Việt Nam từ chỗ tự phát cần phải được phát triển một cách bài bản hơn. Người ta nói “Khi đam mê chở ta đi hãy để lý trí nắm dây cương”. Những người “làm” thư pháp phải nhận thức sâu sắc hơn về việc mình làm. Có như vậy mới có thể nâng cao được giá trị tác phẩm, mới phát huy được sức mạnh của thư pháp và mới có thể giúp người thưởng thức nâng cao được trình độ cảm thụ thẩm mỹ và làm cho thư pháp Việt Nam phát triển đúng hướng để có chỗ đứng vững chắc trong trái tim của mọi người. Từ đó, ngoài những lớp phục vụ nhu cầu đại chúng như hiện nay, cần phải có những lớp dành riêng cho những người thực sự có tiềm năng theo học một cách bài bản, chuyên nghiệp. Đó cũng là lý do sự ra đời của lớp học sáng tác này.
2. Đây là lớp học trong đó, kể cả những người đứng lớp và ngồi lớp, không ai nghĩ mình là thầy. Tất cả chúng tôi, dù tuổi tác khác nhau và có những thành công nhất định, nhưng thực chất chỉ là những học trò nhỏ trong cái mênh mông của Thư Pháp mà thôi. Chúng tôi tụ họp tại lớp này để học lẫn nhau Nói cách khác, lớp học này không có ai là thầy. Chúng tôi hiểu một cách sâu sắc rằng, như vậy, chúng tôi mới có rất nhiều thầy và, do đó, chúng tôi sẽ học được nhiều hơn gấp bội.
3. Mục tiêu đào tạo của lớp là phát hiện và bồi dưỡng năng lực sáng tác Đảo Thư Pháp của học viên góp phần phát triển nghệ thuật thư pháp Việt Nam. Nói một cách khái quát là đào tạo những người có khả năng tạo nên cái đẹp có cảm xúc (mỹ cảm) cho con người. Vốn dĩ con người, ai cũng có khả năng cảm thụ thẩm mỹ nhưng không phải ai cũng có khả năng thể hiện cái đẹp đầy cảm xúc trên tác phẩm. Bởi vậy, công việc sáng tác không dành cho tất cả mọi người, nó chỉ dành cho những ai thực sự có tiềm năng thực hiện công việc ấy. Vì lẽ đó, chúng tôi đã tiến hành tuyển chọn các học viên một cách nghiêm túc và chỉ nhận những người đạt các tiêu chí: Đam mê, tự tin, cầu thị và có tiềm năng.
4. Các bước triển khai học tập:
– Trước hết, giúp nhau HIỂU MÌNH VÀ HIỂU NGƯỜI
– Giúp nhau hiểu ĐẠO LÝ trong học tập
– Lý thuyết và thực hành
5. Phương châm học tập: TỰ GIÁC – TỰ CHỦ – TỰ TRỌNG – TỰ TIN.
6. Nội dung đào tạo bao gồm:
– Xác định rõ ràng đối tượng học tập
– Bổ sung những điều kiện cần mà học viên còn thiếu để đảm bảo sự thành công trong học tập
– Nền tảng , dựa vào đó để phát triển thư pháp
– Các tiêu chí thư pháp nói chung và đảo thư pháp nói riêng cần vươn tới
– Nghệ thuật bố cục, cách điêu, kỹ năng thể hiện
– Tham quan, kiến tập, hoạt động ngoại khóa, nghe báo các báo cáo chuyên đề của các chuyên gia
– Tập phân tích, bình luận tác phẩm
– Tập sáng tác
– Sáng tác và triển lãm
Kính thưa các quí vị
Lớp học này ra đời không phải từ ý muốn nhất thời mà là kết quả của quá trình sống, học tập và làm việc của tôi. Những điều tôi trình bày ở trên được rút ra từ những bài học thành công, thất bại của tôi, từ những niềm vui khi được tán thưởng, ủng hộ và cả những đau đớn tinh thần, thể xác khi bị “ném đá” tơi bời, thậm chí bị nhiều người tẩy chay.. Đó là niềm vui cuối đời tôi và cũng là niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của Thư Pháp Việt Nam.
Tiến sĩ Cung Khắc Lược có những câu thơ giản dị mà chí lý
Cuộc đời là một cuộc đi
Hễ mà dừng lại là đi cuộc đời
Cuộc đi ấy là cuộc đi tìm lại chính mình và tôi hy vọng rằng lớp học này sẽ giúp chúng tôi tìm lại được chính mình để đạt được thành công lớn nhất của cuộc đời là vượt qua chính mình.
Một lần nữa, tôi chân thành cảm ơn các quí vị, những người tôi luôn coi là Thầy đã đến dự lễ khai giảng lớp học và mong được sự ủng hộ của các quí vị để lớp học thành công. Chúc quí vị sức khỏe dồi dào và mọi sự như ý!
——————————————————————————-
Lớp học đã tuyển được 5 học viên theo dự kiến, gồm những người đã có những thành công nhất định trong TP Hán Nôm và chữ Việt. Có những người ở rất xa (15 – 40 Km). Đặc biệt, có người trên 60 tuổi, mắc ung thư giai đoạn cuối, chân yếu, phải thường xuyên chống gậy đến lớp. Thời gian đầu, lớp tập trung vào chia sẻ những hiểu biết về TP, nền tảng lý luận, các tiêu chí của tác phẩm và tự xác định xem bản thân đã hội đủ những nguyên tố cần thiết, cần bổ sung những gì để có thể bước vào sáng tác… Qua 3 tháng đầu tiên, mọi người đã chia sẻ và tiếp thu được nhiều điều họ chưa từng biết đến trước đây và nhận ra những sai lầm, yếu kém của bản thân trước những đòi hỏi của TP. Lớp bắt đầu bị phân hóa, không thể “dàn hàng ngang” cùng tiến được. Nhiều người hỏi tôi liệu bao lâu nữa kết thúc khóa học. Tôi trả lời rằng không thể ấn định một ngày kết thúc chung cho tất cả mọi người bởi lẽ chất lượng những “hành trang” tiềm tàng và ý chí của mỗi người một khác. Trong lớp bắt đầu xuất hiện tâm lý tiêu cực và muốn bỏ học. Một người bỏ học ngay sau vài buổi theo lớp vì không tuân theo các bước học tập đã đinh trước. Một học viên khác được tuyển thẳng vì tôi rất kỳ vọng nhưng sau hai tháng đã xin nghỉ. Đây là bức thư xin nghỉ hoc của học viên đó:
“Dạ thưa bác, cháu có vài điều muốn nói ạ… chắc là cháu xin nghỉ học ạ… Cháu rất tiếc nhưng cháu có mấy điều khó nói ạ!… Điều thứ nhất là cháu nghĩ khả năng cháu không có ạ… Chữ Hán cháu viết còn chưa ra gì thì chuyện thư pháp Việt còn nói đến chi nữa ạ… cháu cần có thời gian mươi năm để tập trung luyện thư pháp Hán ạ… cháu hình như đã bị ảo tưởng với năng lực của mình ạ! Cháu cứ nghĩ cháu sẽ viết tốt Đảo thư pháp, nhưng thật sự cháu chẳng làm được gì cho Đảo thư pháp cả…cháu thất vọng với bản thân mình. Mà cũng cảm thấy hổ thẹn với bác… cháu nghĩ cháu nên học lại từ đầu hơn là học sáng tác ạ! Đại tự, định thể, tiểu tự…. tất cả phải từ từ lại ạ… cháu quá nóng lòng… nên có thể đã ảo tưởng ạ! Điều thứ hai, cháu có một hoàn cảnh rất đặc biệt… cháu xin lỗi vì đã giấu bác. Nhưng cháu có điều khó nói ạ… do vậy, giờ giấc cháu không thể chủ động được, rất khó để tham gia lớp bây giờ ạ. Thêm nữa, việc học quá nhiều nên cháu thời gian không đủ để làm quá nhiều việc ạ… hình như có nhiều điều, cháu cảm thấy không thống nhất với bác… nên nhận thức của cháu không cao. Khó có thể làm được những điều bác mong đợi… anh H. rất năng khiếu, cháu nghĩ anh ấy sẽ giúp Đảo thư pháp nâng lên tầm cao mới… tánh cháu trước giờ rất thiếu kiên nhẫn, làm cái gì cũng nhanh chán, khó mà thành tài được… Cháu rất xấu hổ khi nói với bác… Cháu đã quá tự mãn… cháu phải tập lại từ đầu ạ!… cháu thật xấu hổ khi phải rời lớp… mong là lớp mình có thể đạt được mục tiêu đề ra ạ! Cháu mong bác đừng giận cháu ạ!”
H. là học viên được nhắc đến trong bức thư ở trên. Học viên này đang là sinh viên ở cách lớp học thư pháp khoảng 40 km. Trước khi nhập học, tôi đã để tròn một buổi phỏng vấn anh ấy. Học được khoảng ba tháng, sau khi đã có thành công bước đầu, anh ấy xin nghỉ với lý do muốn tự hoc và muốn dành thời gian học thủy mặc. Đây là một người rất thông minh, tiếp thu nhanh nhưng có lẽ không học để sáng tác mà học đủ để làm ông đồ viết chữ tại các hội chữ xuân.
Lớp chỉ còn hai học viên: tôi và bác P – một bệnh nhân cao tuổi mắc ung thư giai đoạn cuối. Bác P. đang là cố vấn của một câu lạc bộ thư pháp và là tác giả cuốn sách “Nghệ thuật thư pháp ngữ hình”… Lý do bác còn theo lớp là bác thấy ở đây mình học được rất nhiều điều bổ ich. Bị ung thư lại bị ngã gãy chân chưa lành hẳn nhưng hàng tuần bác vẫn chống gậy đến lớp. Bác là con người bình dị, khiêm tốn, ham học hỏi, một tấm gương sáng về nghị lực, tôi vô cùng nể phục. Rất tiếc vì lý do sức khỏe, lại phải chăm sóc người thân cũng bị ung thư khá nặng, bác đã phải rời lớp nhưng vẫn mong có ngày được tiếp tục học thêm. Cuối cùng lớp chỉ còn lại một mình tôi.
Lớp học này có ý nghĩa như một “phép thử” và phép thử đó đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Kết quả duy nhất đạt được là giúp các học viên nhận ra chính mình trước những đòi hỏi của sáng tác. Khi đó, họ cảm thấy rằng mình đang quá đuối sức và nản chí. Hiệu quả của nó phản ánh đúng thực trạng TP Việt Nam (không riêng TP chữ Hán Nôm, Latinh hay quốc ngữ…) hiện nay.
Thôi thì… thời đã thế, thế thời phải thế! Trước khi “nhắm mắt xuôi tay”, tôi chỉ còn biết hy vọng và làm nốt những công việc đã dự tính, may ra có thể đóng góp chút gì đó cho Thư Pháp Việt Nam.
Thanh Phong –
Tác giả rất tâm huyết với sản phẩm, có những suy nghĩ và mong muốn tốt đẹp dành riêng cho nghệ thuật thư pháp việt
Thanh Phong –
Ủng hộ tác giả! Cuốn sách có nhiều lý luận và cách nhìn chính xác về thư pháp Việt hiện tại