Một trong những cuốn sách đầy tâm huyết của tác giả Đăng Học.
Tác giả Vũ Đăng Học
![]() ![]() |
Nghệ danh: Nguyên Đăng
Sinh ngày 25/11/1982 – Quê quán: Quy Nhơn Kỷ lục gia Việt Nam |
Người đã xuất bản các cuốn sách:
– Hồn chữ Việt
– Thư pháp Việt – Lý thuyết và thực hành
– Thơ thư họa “Cái nhìn”
– W.E. Calligraphy
– Video “Cùng Đăng Học luyện thư pháp Việt”
– Kinh Pháp Cú
– Hồn chữ Việt “Việt thư chi bảo”
Giới thiệu cuốn sách Thư pháp Việt – Lý thuyết và thực hành
Nếu hội họa là nghệ thuật của màu sắc và đường nét, âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, tiết tấu, thơ văn là nghệ thuật của văn tự, thì tiếng nói, chữ viết là di sản của nền văn hóa phi vật thể. Do vậy việc làm thăng hoa cái đẹp thị giác của chữ viết là một khía cạnh của văn hóa. Từ sự giàu có về âm thanh ngữ điệu, một ngôn ngữ gợi cảm, đa sắc thái, giàu tính nghệ thuật giờ đây một lần nữa, tiếng Việt được thêm hương thêm sắc qua những đường nét của nghệ thuật thư pháp.
Trong tiếng trình lịch sử của dân tộc, nghệ thuật luôn có sự vận động để thích ứng với hoàn cảnh thời đại mà chính nó đang tồn tại. Thật vậy, từ buổi thoái trào của thư pháp qua cảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy, qua đường không ai hay” trong thơ Vũ Đình Liên cho đến nay, có thể nói nghệ thuật thư pháp Việt đã cách tân và khởi sắc, nó làm một cuộc đổi mới ngoạn mục. Đó là sự xuất hiện của thư pháp Việt (thể hiện ký tự Latinh) – như một phương thức biểu thị và lưu truyền, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thật ra sự cách tân là một quy luật phát triển nghệ thuật truyền thống và thúc đẩy quá trình tiến hóa của nó, làm giàu các hình thức thể loại, phương tiện và hình thức thể hiện.
Tuy vậy, xung quanh bộ môn thư pháp Việt vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, có người không đồng tình, có người chấp nhận ở mặt này không tán thành ở mặt khác. Nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, có ý kiến gợi ý dẫn dắt cũng có ý kiến chê bai phê phán. Thiết nghĩ, đó cũng là quy luật phát triển của nghệ thuật bởi đay là một bộ môn còn khá non trẻ.
Trong trào lưu “Bách thư gia chư tử” Việt (trăm nhà đều viết thư pháp) như hiện nay, quả là một tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ đối tượng chơi thư pháp đã được mở rộng trong nhiều giới, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng bên cạnh cái mừng, vẫn còn có cái lo ngại. Lo vì lẽ, sự phát triển thư pháp hiện nay phần lớn mang tính trào lưu, tự phát, chưa có sự quy củ, cũng như chưa có sự quan tâm sâu sát về mặt lý thuyết, hệ thống lý luận phê bình,… vốn là những điều kiện cần có cho sự phát triển bền vững của một loại hình nghệ thuật. Trong chiều hướng đó, rất cần có những công trình, tác phẩm mang tính lý luận, hoặc đưa ra những quy tắc, phương pháp gợi mở khả dĩ hướng dẫn giới yêu thích thư pháp có điều kiện tiếp cận đón nhận một cách đích thực.
Quyển sách “Thư pháp Việt lý thuyết và thực hành” của tác giả Đăng Học mà bạn đang cầm trên tay dường như đã hé mở một tín hiệu nào đó, đáp ứng đúng lúc kịp thời cho phong trào thư pháp chữ Việt đang thịnh hành.
Nếu trong tác phẩm “Hồn chữ Việt” trước đây của tác giả Đăng Học đã có dịp giới thiệu với độc giả những tác phẩm “rồng bay phượng múa” của chính đôi tay tài hoa, khéo léo của tác giả thì ở tập sách thứ hai này, anh đã xác định rõ mục tiêu ngay từ đầu là phác thảo những sở khởi về lý luận thư pháp Việt. Bằng kinh nghiệm, kiến thức của mình, anh đã tìm tòi và sáng tạo, mạnh dạn đưa ra phương pháp, thực hành, cũng như phân loại các thể chữ như “Điền thể, Thủy thể, Mộc thể, Phong thể, Biến thể” và cách cảm nhận về tác phẩm thư pháp Việt.
Trong tập sách này, có thể còn có đôi chỗ về chuyên môn cần rất nhiều thời gian để được áp dụng một cách phổ biến,… Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này có thể nhận được sự cảm thông của giới chuyên môn, hy vọng sẽ là một khám phá mới trên con đường dài nghệ thuật. Điều đáng quý nhất mà tôi tin ở anh, là lòng đam mê không mệt mỏi, dám sáng tạo và luôn tìm tòi đóng góp đối với thư pháp Việt, một tấm lòng với văn hóa Việt. “Thư pháp Việt lý thuyết và thực hành” ra đời trong hoàn cảnh ấy thật là đáng quý và trân trọng.
Xin giới thiệu đến quý độc giả yêu mến bộ môn thư pháp Việt còn non trẻ của chúng ta.
Tp Hồ Chí Minh, 08/08/2008
Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Tín
Trường Đại học Tôn Đức Thắng –
Khoa khoa học xã hội và nhân văn.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.